TP - Trưởng thành qua trận mạc ở chiến trường Vị Xuyên, cựu chiến binh Lê Hải Vũ đã quyết định dành mọi tâm huyết của mình dạy bắn súng cho giới trẻ.

Ông nói: “Đất nước chúng ta yêu hòa bình, nhưng nếu cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, phải giành chiến thắng”. Cặm cụi bên những khẩu súng có phần cũ kỹ, người cựu chiến binh năm xưa tâm sự: “Tôi dạy các em bắn súng không chỉ là dạy kỹ năng cầm súng, mà muốn nhắn gửi các em, các cháu nhỏ hôm nay đừng bao giờ quên việc bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”.

Người mở phòng tập bắn súng tư nhân đầu tiên

Năm nay 65 tuổi, tóc đã bạc, sức khỏe không còn sung mãn như xưa, lại bị tai nạn gãy chân hồi cuối năm ngoái, nhưng ngày ngày, ông Lê Vũ Hải vẫn tới Câu lạc bộ bắn súng Sài Gòn ở quận 1, TPHCM để hướng dẫn các bạn trẻ tập bắn súng hơi. Câu lạc bộ của ông đến nay vẫn là nơi duy nhất trên toàn quốc hoạt động với mô hình xã hội hóa môn bắn súng.

“Sau khi rời quân ngũ, tôi lao vào kinh doanh về xây dựng. Tôi khát khao làm giàu kinh khủng, đời lính vốn nghèo mà. Kinh doanh có những lúc thành công lắm, trong tay mấy chục xe ủi, xe ô tô. Nhưng rồi một ngày, tôi hiểu rằng đồng tiền có thể giúp tôi cải thiện đời sống, nhưng nó chỉ đem lại của cải cho mình tôi thôi. Nếu dạy bắn súng, tôi có thể truyền đạt cho giới trẻ tình yêu quê hương đất nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc”. Người cựu chiến binh đã bán toàn bộ xe cộ trên công trình, mở phòng tập bắn súng cho giới trẻ.

Cô Dương, một huấn luyện viên bắn súng của thành phố nhận xét về người “bố” ngoại đạo: “Hiếm có ai yêu môn bắn súng như bố Lê Vũ Hải”. Người lính trên chiến trường năm xưa, đã phá bỏ định kiến rằng môn bắn súng chỉ nên do nhà nước quản lý và đào tạo.

Tôi còn nhớ những ngày đầu, ông Hải được cử ra Hà Nội để học những quy định về bảo quản súng hơi, vận hành cơ sở đào tạo súng thể thao, làm quen với những quy định của ngành thể thao như thế nào.

Ký ức Vị Xuyên

Ông Hải kể: “Là người lính, vào bộ đội từ năm 1977, tôi tham gia cả chiến trường biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc, từng nếm trải nhiều khó khăn thử thách. Riêng chiến trường Vị Xuyên, lúc đó tôi đang học ở học viện lục quân, đến năm thứ 3, tôi được trường cử đi tăng cường cho biên giới phía Bắc, được điều về sư đoàn 356, do ông Nguyễn Văn Được làm sư đoàn trưởng, (hiện ông Được là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam). Tôi được biên chế về trung đoàn pháo binh 150 giữ vai trò phó trung đoàn trưởng”.

Ngày tháng chiến đấu trên chiến trường phía Bắc ăm ắp kỷ niệm: “Mùa hè ác liệt, một mình tôi là người miền Nam ra chiến đấu tại trung đoàn. Mọi người đều yêu quý tôi. Cuộc chiến diễn ra, có ngày im, có ngày nổ súng. Tôi đã kinh qua chiến trường, nhưng lần đầu tiên thấy địch bắn pháo như mưa đến vậy. Thông thường, với những trận chiến hủy diệt như thế, đối phương không thể đứng vững. Nhưng pháo binh của ta không hề nao núng. Mỗi lần chúng tôi khai hỏa, kẻ thù đều phải khiếp sợ”.

Về từ biên giới phía Bắc, người sĩ quan pháo binh Lê Vũ Hải được tín nhiệm giao trọng trách lữ đoàn phó lữ đoàn pháo binh Biên Hòa thuộc Quân khu 7, tập trung đào tạo cán bộ chiến sĩ với mục tiêu “bách phát bách trúng”. Đơn vị nhiều lần tham dự hội thao và giành giải cao. Rời quân ngũ, Lê Vũ Hải giảng dạy môn quân sự tại Đại học quốc gia TPHCM.

Nhớ những ngày khởi sự khó khăn, người lính Vị Xuyên năm xưa nói: “Bắn súng thể thao chỉ phát triển mạnh ở ngoài Bắc từ khoảng năm 1958, còn Sài Gòn trước giải phóng không phát triển môn này. TPHCM gần như là “điểm trắng” trên bản đồ bắn súng thể thao trong hàng chục năm liền. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 6 năm 2010, bắn súng TPHCM và Quảng Ninh là 2 đơn vị xếp cuối bảng, không có huy chương”. Thành phố quyết định phát triển môn bắn súng như một môn thể thao mới mẻ và trong xu thế xã hội hóa, cựu chiến binh Lê Vũ Hải được ủng hộ để thành lập câu lạc bộ bắn súng thể thao tư nhân đầu tiên trên cả nước.

Ông ơi, cháu muốn học bắn súng!

Cô Loan, phụ trách môn bắn súng của thành phố rất vui khi môn bắn súng được nhiều cô chú là cựu chiến binh giúp phát triển phong trào: “Phong trào bắn súng thể thao phát triển khắp thành phố và môn này được đưa vào là một trong những nội dung thi Hội khỏe Phù Đổng toàn thành phố. CLB bắn súng do chú Hải tổ chức đã đào tạo các cháu của nhiều trường phổ thông trong quận 1 để dự thi Hội khỏe Phù Đổng. Hàng chục vận động viên trẻ từ đây được cung cấp lên cho tuyến trên, đào tạo vận động viên bắn súng trẻ cho TPHCM”.

Các vận động viên nhí thường gọi í ới trong phòng tập: “Ông ơi, ông dạy cháu với ạ!”. Người ông tóc bạc vẫn mỗi ngày lau súng, sửa súng, tự tay chỉnh súng và cùng các cô giáo thầy giáo hướng dẫn các cháu tập luyện. Ban đầu, ông phải thuê địa điểm dạy, rồi quận 1 thấy phong trào bắn súng phát triển tốt đã hỗ trợ mặt bằng cho câu lạc bộ hoạt động.

Ông Hải tủm tỉm kể: “Giải tay súng xuất sắc quốc gia năm 2018, trong số các vận động viên vào chung kết, toàn là các tay súng của đội tuyển quốc gia được nhiều giải trong nước và quốc tế. Tới vận động viên của chúng tôi, người dẫn chương trình chỉ vỏn vẹn một lời giới thiệu “cháu là vận động viên nhỏ tuổi nhất”. Thế mà cháu kiên cường loại các tuyển thủ và giành được huy chương bạc giải tay súng xuất sắc quốc gia 2018!”.

Hướng về ngày mai

Nhắc lại những kỷ niệm và đồng đội xưa, cựu chiến binh Lê Vũ Hải không khỏi ngậm ngùi. Năm tháng qua đi, đồng đội người còn người mất. Nhiều đồng đội hy sinh ở Vị Xuyên vẫn còn nằm đâu đó. Nhưng người lính già có cái nhìn riêng của mình: “Chúng ta phải hướng về tương lai. Quan trọng bây giờ là những cựu chiến binh như tôi có thể làm gì cho thế hệ tương lai của đất nước? Tết vừa rồi, có nhiều người bảo: Ông ơi, ông lớn tuổi rồi, nghỉ cho khỏe ông ạ. Tôi trả lời, tôi còn làm việc, còn cống hiến, tôi càng thấy mình khỏe ra đấy”.

Phòng tập bắn súng thể thao quận 1 tập nập suốt tuần. Nào thiếu nhi học, nào dân quân tự vệ kéo tới tập, giải bắn súng của thành phố cũng tổ chức tại đây. Người cựu chiến binh vừa lau súng, vừa bảo: “Cả ngàn cháu học sinh từ huyện Nhà Bè cũng được trường đưa lên tập bắn súng. Ông vất vả đấy, nhưng vì các cháu, ông sẵn sàng!”.

Ông Lê Vũ Hải được ngành bắn súng TPHCM giao nghiên cứu thành lập liên đoàn bắn súng TP. Đây cũng là mô hình liên đoàn bắn súng cấp địa phương đầu tiên của cả nước. Từ một địa phương được gọi là “điểm trắng môn bắn súng”, TPHCM đang vươn lên thành một trung tâm đào tạo bắn súng trẻ nhiều tỉnh thành mơ ước. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014, bắn súng TPHCM đã giành 3 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ. Tại đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, bắn súng TPHCM đoạt 3 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ (xếp trên cả đoàn Công an nhân dân).

Theo ông Lê Vũ Hải: “Bắn súng là môn thể thao đòi hỏi sự thông minh, tính điềm đạm, ý chí quyết tâm, sự khéo léo, tập trung. Đó cũng là những phẩm chất mà người Việt Nam rất cần. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm rạng danh Tổ quốc, hy vọng sẽ nhiều bạn trẻ tiếp bước Hoàng Xuân Vinh. Luyện tập bắn súng cũng giúp các bạn trẻ không quên công sức của bao thế hệ cầm súng đã ngã xuống cho đất nước”.

Ngày đã tắt, nắng đã khép, các học sinh, các bạn trẻ tập bắn súng xong ra về, trong phòng tập ngổn ngang mấy chục khẩu súng, còn lại người lính già Vị Xuyên đi thu dọn phòng tập, xếp lại từng khẩu súng, chuẩn bị cho ngày tập bắn của các cháu hôm sau.

 Mô hình dạy bắn súng mới

Cựu chiến binh Lê Vũ Hải nói: “Tôi mở CLB bắn súng không vì lợi nhuận. Tiền thu được đều dành đầu tư cho tuyến năng khiếu của quận. Chúng tôi còn mơ ước tạo dựng một câu lạc bộ chuyên nghiệp hơn nữa, đón các cháu ở các tỉnh xa có năng khiếu bắn súng về TPHCM lo cho các cháu học tập, rèn luyện để trở thành các xạ thủ dự những giải bắn súng quốc tế trong tương lai”.

Huấn luyện viên - cựu tuyển thủ Phạm Cao Sơn hiện đang huấn luyện bắn súng tại Hải Phòng, sau khi tham quan phòng tập bắn súng xã hội hóa của TPHCM do ông Lê Vũ Hải làm chủ nhiệm đã nhận xét: “Không riêng Hải Phòng chúng tôi mà các địa phương đều mơ ước có những người tâm huyết với bộ môn bắn súng như anh Lê Vũ Hải, giúp đầu tư phòng tập, mở mang môn bắn súng. Anh Hải cũng nhận được sự quan tâm và giúp đỡ rất nhiều của TPHCM. Mô hình xã hội hóa môn bắn súng của anh Lê Vũ Hải rất cần được nghiên cứu nhân rộng ra các địa phương khác”.

TRẦN NGUYÊN ANH